Sự xúc động quá mức có thể gây tử vong. Nhưng vì sao cho đến nay ngành y học mới nhìn thấy bằng chứng cho điều này?
Năm 1986, một phụ nữ 44 tuổi được đưa vào bệnh viện đa khoa Massachusetts.
Bà vẫn cảm thấy ổn vào buổi sáng, nhưng đến chiều, bà cảm thấy đau nhói ở lồng ngực và bị tê cả cánh tay tránh.
Đây là dấu hiệu điển hình của một cơn đau tim.
Tuy nhiên điều đáng ngạc nhiên ở đây là bà không bị bệnh tim.
Giải thích về trường hợp bất thường này trên Tạp chí Y học New England, Thomas Ryan và John Fallon cho rằng nguyên nhân gây ra cơn đau tim này là do sự xúc động quá mức.
Ngày hôm đó, người phụ nữ này được thông báo rằng người con trai 17 tuổi của mình đã tự vẫn.
Trường hợp tại Massachusetts đã khiến các bác sỹ bất ngờ. Nhưng đây không phải là điều mới lạ.
Nhiều năm qua, các bác sỹ đã nhìn vào mối quan hệ giữa tâm lý học và cơ thể học. Trong cuốn sách với tựa Zoobiquity, Kathryn Bowers và Barbara Natterson-Horowitz cho rằng cảm xúc có thể tác động trực tiếp đến cơ thể.
Những bằng chứng cho thấy sự xúc động mạnh có thể tác động đến tim đã được đưa ra từ nhiều thập niên trước.
Các nghiên cứu vào giữa thế kỷ 20 cho thấy khi các động vật đối mặt với mối đe dọa về tính mạng, các mạch máu của chúng bị kích động đột ngột, khiến máu trở thành chất độc hủy hoại các khối cơ và trái tim.
Vào giữa những năm 90, các nghiên cứu bắt đầu được tiến hành trên con người.
Năm 1995, các nhà nghiên cứu Jeremy Kark, Silvie Goldman và Leon Epstein cho thấy người Israel có nhiều nguy cơ tử vong do các vấn đề về tim hơn vào ngày 18/1/1991 hơn bất cứ ngày nào khác trong 2 tháng trước đó.
Nguyên nhân là do đây là thời điểm xảy ra chiến tranh Vịnh Ba Tư, dẫn đến 18 hỏa tiễn từ Iraq rơi nhầm xuống lãnh thổ Israel.
"Nỗi lo trước sự đe dọa về tính mạng lan tỏa khắp nơi," các nhà nghiên cứu viết trên Tạp chí Hiệp hội Y tế Hoa Kỳ.
"Để đề phòng bị tấn công bằng vũ khí hóa học, mặt nạ phòng độc và kim tiêm tự động được phân phát cho cả nước."
"Nỗi lo sợ mất mạng do các đợt tấn công bằng tên lửa đã vượt quá sức chịu đựng của nhiều người".
Tuy nhiên phải đến năm 2005, các nghiên cứu mới đủ nhiều để ngành y học phải bắt đầu chú ý.
Đây là năm mà định nghĩa 'bệnh tim do căng thẳng', hay còn gọi là 'triệu chứng trái tim tan vỡ'.
Như vậy, dù nỗi buồn không nhất thiết sẽ làm tổn hại đến chúng ta, nhưng rõ ràng là suy nghĩ và cảm xúc có những tác động trực tiếp, rõ ràng đến cơ thể, và trong trường hợp xấu nhất, có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.
Bài viết đã được đăng trên BBC Future.