Chương trình từ thiện: Ấm áp vùng cao Hà Giang
Giải cu gáy đấu lần thứ nhất mừng SN diễn đàn 5 tuổi thành công tốt đẹp
Phóng sự: Nghệ nhân dân gian Trần Lữ
Diễn đàn Cu gáy Việt Nam trên facebook

CHUYÊN MÔN CU GÁY > Thú chơi cu gáy đấu

Thuật ngữ cơ bản về cu gáy đấu

(1/12) > >>

cugay_hn:
Diễn đàn cugay.org từ khi thành lập và đi vào hoạt động với tiêu chí: Tiêu khiển và bảo tồn đã và đang là một sân chơi bổ ích về thú chơi cu gáy. Diễn đàn đã quy tụ đông đảo các thành viên trên khắp mọi miền đất nước tham gia sinh hoạt, vậy nên đa dạng về phong cách chơi. Từ chơi mồi, chơi đấu, chơi chim âm , chơi chim đột biến, tới chơi chim khách, ghép đẻ…Mỗi trường phái đều có những thuật ngữ riêng, những thuật ngữ này để định nghĩa mô phỏng những tiếng gáy của chú chim trong quá trình gáy.
  Những thuật ngữ dùng để chỉ nước chơi hay bài bản của chú chim mồi đã dần trở nên quen thuộc với mọi người . Nhưng bên cạnh đó những thuật ngữ dùng để phân biệt hay dở giữa những chú chim,  là tiêu chí chấm điểm trong các cuộc thi chim gáy đấu còn rất ít người biết đến và nhận định sao cho chính xác.
  Cũng xuất phát từ chính mong muốn để mọi anh em trong diễn đàn nhận biết đúng đồng thời giúp an hem chơi cu gáy phía Nam nói riêng và những anh em khu vực phía bắc nói chung hiểu rõ hơn về các thuật ngữ và quy trình lựa chọn, huấn luyện 1 chú chim gáy đấu có thể tham gia các cuộc thi tổ chức hàng năm trên khắp các tỉnh thành phía Bắc. Về cơ bản khi gáy đấu thường xuất hiện những tiếng sau:

+ Gáy gọi ( Chiêu , gióng .. )
+ Gáy dỗ ( Gáy trận, thúc … )
+ Gáy dỗ thừa ( Thúc lợi cốt )
+ Lèo ( Kèm ) lèo chồng , lèo hoa, lèo dặm )
+Bóng vặt ( Gù vặt có thể gù 1 tiếng hoặc vài 3 tiếng )
+ Chu ( Chu đe, chu đôi,  chu dây )
+ Vấp
+Ngọng ( Ngợ , lợ )
+ Bóng trường ( kèn bo )
+ Gù thường ( Kèn )
+ Gù chồng đấu ( Gù cà lăm )

Bài viết được xây dựng từ kiến thức đóng góp ý kiến chỉnh sửa của nhiều cá nhân là những người chơi lâu năm có uy tín và hiểu biết sâu rộng về chú chim cu gáy theo trường phái chơi chim đấu của các tinh thành miền Bắc.
                                         
A-Thuật ngữ và giải nghĩa

I- Gáy gọi : Đây là tiếng gáy gọi thông thường của 1 chú chim
-   Gáy bổ đôi ( Trơn dòng): Cúc cù cu
-   Gáy bổ 3 ( gáy 1 hậu , gáy đủ ) : Cúc cù cu. Cu
-   Gáy bổ 4 (  Gáy thừa, gáy hậu 2 ) : Cúc Cù Cu. Cu Cu
-   Gáy bổ 5 ( Gáy hậu 3 ) : Cúc cù cu . Cu Cu Cu
-   Gáy bổ 6 ( Gáy hậu 4 ) Cúc cù cu. Cu Cu Cu Cu
-   Cá biệt còn có bổ 7. 8 tức là hậu 5, hậu 6

II- Gáy dỗ ( Gáy trận , thúc , dặt )
Đây là tiếng gáy để người chơi chim đánh giá chú chim hay dở. Các tiếng lạ của chú chim như ( Chu , lèo, vấp…. ) Xuất hiện trong quá trình này.

- Chúng ta mô phỏng tiếng dỗ của chú chim là: Cúc cù cu thì các tiếng lạ được hiểu ngư sau:
*1*- Lèo : Là 1 nhịp gáy gồm 2 câu có 2 kiểu lèo gồm :
a-lèo đơn hay còn gọi là lèo đảo ngược. Tức là khi con chim gáy 2 câu liền mạch  kề nhau mà 2 câu phát ra không giống nhau. Nếu 2 câu liên tiếp phát ra mà giống y hệt nhau thì không được coi là 1 lèo
Vd : Cúc cù cu. Cục cù cù . Cục cúc cu . Cục cù cu.
( Lưu ý có chú chim gáy tròn rõ người nghe có thể dễ dàng nhận biết nhưng cũng có chú chim gáy không rõ người nghe rất khó phát hiện , đối với những chú chim như vậy người ta thường gọi là : Lèo mờ.

b-Lèo chồng ( Hay còn gọi là lặp lợ, lèo xếp, lèo hoa ) 
Vd-1: Cúc Cù Cu. cục cù cù, Cúc Cù Cu.  cục cu cù .
Vd-2: Cục cúc cu, Cục cù . Cục cú cu, Cục cù
 Các câu lèo liền một mạch , và liên tục nối tiếp nhau.


*2*- Chu: Tiếng Chu chia ra làm 2 loại và 3 kiểu gồm:
 Do âm lực khi chú chim phát ra nhưng có trường hợp khi chim yếu âm lực không tốt nghe sẽ thấy na ná giống nhau.

+ Chu thường: Là âm phát ra sau 1 câu gáy dỗ chim sẽ hơi ngắt 1 nhịp nghe như tiếng gáy Cu. Hặc Cù , Gù nhưng âm lực nhẹ , nhanh , Lưu ý chúng ta cần nghe rõ và phân biệt nếu không sẽ dễ bị nhầm lên giữa tiếng chu thường với tiếng giỗ thừa.
Vd: Cục Cú Cu . Cù. Hặc Cúc Cù Cu. Gù

+ Chu Đe: Là tiếng phát ra như chu thường nhưng âm lực phat ra thường nhanh, mạnh, nặng, dứt khoát gây giật mình hay có tác dụng đe dọa đối phương : Phiên âm có thể nghe như – Grục. :
 VD : Cục Cú Cu. Grục
 
-Chu Đơn : Tức là ra từng tiếng đơn lẻ sau mỗi câu thúc, hoặc sau câu lèo, câu bong vặt trong suốt quá trình gáy đấu của chú chim .
Vd: Cúc Cù Cu. Cục Cù Cù. Grục. Cục cú cu. Grục.

-Chu Đôi : Tức là chú chim sẽ gáy ra 2 tiếng chu  liên tiếp cùng lúc trong 1 nhịp, 1 câu . 
VD: Cục cú cu. Grục. Grục . Cục cú cu. Grục.Grục

-Chu Dây : Tức là ra chú chim sẽ gáy ra 3 tiếng chu cùng 1 lúc trở lên. Trong cùng 1 nhịp , 1 câu.

*3*- Bóng vặt ( hay còn gọi là dặm, hặc gụ sen ): Nếu chú chim cứ ra 1 câu thúc lại kèm 1 tiếng gù tạo thành mạch dài, thì phía Nam gọi là Kèn mắc me.
Tức là khi gáy trận, thúc trận cứ sau 1 câu thúc chú chim ngắt ra 1 nhịp  kèm 1 câu gù, thường lúc này chim chỉ gù 2 tiếng : Cù Gù. Tuy nhiên vẫn có những trường hợp chú chim sẽ gù phát ra 3 tiếng : Cục Gù cù. ( tiếng gù chồng đấu, hay trong Nam vẫn gọi là gù cà lăm).
 Nhưng cũng sẽ hơi khó phân biệt bởi nếu nghe không tinh sẽ nhầm tưởng chú chim đang gáy dỗ ra lèo.

Vd: Cục cú cu, Cụ Gù hoặc Cục cú cu, Gù cù.
( khi chim gáy như vậy sẽ được gọi là kiểu bóng thường ). Nếu sau 1 câu thúc là 1 câu gù thì phía Nam gọi là Thúc kèm gù 1, nếu sau câu thúc là 2 câu gù thì gọi là thúc kèm đôi, sau câu thúc là 3 câu gù thù gọi là thúc kèm 3.

*4*- Bóng trường: ( Phía Nam còn gọi là thúc kèn gù, trồi gù, Thúc kèn bo ).
Tức là trong quá trình gáy trận, và ra các tiếng lạ chú chim đổ 1 sạc gù rồi lại quay về thúc trận và ra tiếng như trước.
Vd: Cục cú cu. Gù cù, Gù cù, Gù cù, Gù cù, Gù cù, Gù cù. Cục cú cu, Cục cú cù.

* 5*-Vấp :
Tức là khi đang gáy dỗ(thúc) đột nhiên con chim ngắt 1 nhịp như bị nghẹn và phát ra tiếng Cục sau đó lại dỗ (thúc) bình thường, tiếng vấp nghe cộc hơn không kéo dài như tiếng chu, và rõ . Nhiều người vẫn hay nhầm tiếng vấp là tiếng chu, phát âm là Cục hặc Cúc.
VD: Cúc Cu Cu, Cúc . Cúc cu cu, Cúc cu cu, Cúc…
*6*- Giỗ Thừa: ( hay còn gọi là dặt thừa, thúc lợi cốt ) 
  - Khi chim gáy dỗ : Cục cúc cu thì liền tiếp sau đó 1 tiếng Cu nghe liền mạch.
Vd: Cục Cú Cu, Cù , Cúc Cú Cu, Cù. Cục Cú Cu. Cục Cù Cu, Cù ...
- Hiểu đơn giản là khi chim đang gáy dỗ, gáy đấu tự nhiên xen vào 1 câu gáy nghe như gáy gọi với tốc độ nhanh 1 câu gồm 4 tiếng rồi sau đó lại gáy dỗ 1 câu 3 tiếng như trước.

*7* Ngọng: ( hay còn gọi là Ngợ, lợ  hặc nhịu)
Tức là  khi chim gáy trận nhanh chim gáy 3 tiếng nghe không rõ và liền nhau
VD: Cúc Cu Cu, Cục Cù Cù,Cúc Cu Cu,Cục Cù Cù,Cúc CụCcù hoặc
 Cục Cú Cu, Cục CúCú. (Nghe như người nói nhanh quá bị líu lưỡi, nhịu vậy)

* 8* Tiếng Mơ : ( Bản thân tên gọi đã nói lên ý nghĩa của nó rồi )
 Tiếng mơ là âm phát ra chỉ mang 1 âm : Khù kéo dài. Tiếng Mơ thường xuất hiện khi chim không gáy nhưng tự dung Khù 1 tiếng kéo dài duy nhất rồi im bặt. Vậy nên chim có thể phát ra tiếng mơ vào ban đêm hoặc ban ngày. Cá biệt có trường hợp khi chú chim đang gáy gọi bống dưng ngắt quãng ngừng lại Khù 1 tiếng xong im bặt không gáy nữa. Trường hợp này rất hiếm gặp trong đời 1 người nuôi chim cu gáy.


                     B- Quy Trình Lựa Chọn, Huấn Luyện Một Chú Chim Đấu.

Để có được 1 chú chim đấu được xem là hay thì quá trình lựa chọn chim của người chủ chim cũng khá công phu và thường kéo dài trong nhiều năm. Nhưng đôi khi do cái Duyên mà người chủ chim lại có cơ may sở hữu được những chú chim hay. Vậy để có được 1 chú chim như ý luôn đi kèm với nó là sự vất vả mà nếu người chủ không có tình yêu và sự kiên trì thì khó long có thể có hặc duy trì được lâu.
                                               
                                                           I- Chọn chim:

1-   Chọn chim có giọng, có tiếng lạ : Vì đấu ở đây là hình thức so sánh xem chú chim nào có nhiều tiếng lạ, bản lĩnh vì thế chú chim đấu trước tiên cần đảm bảo phải là 1 chú chim có nhiều giọng ( Tiếng lạ ) chú chim được lựa chọn nếu hội tụ có được càng nhiều các tiếng lạ thì càng quý.
2-   Chọn mật độ ra giọng ( Tiếng lạ ): Trong thời gian quy định chú chim ra càng dày tiếng càng tốt.

3-   Chọn âm tốt, tốc độ gáy: Trong quá trình thi đấu chú chim có âm to, rõ , tốc độ nhanh sẽ chiếm ưu thế bởi người nghe sẽ nghe được rõ ràng chú chim đó gáy âm lực mạnh cũng khiến đối phương hoảng sợ. Tốc độ gáy nhanh cũng khiến các chú chim khác không theo kịp thành ra sợ không dám gáy đấu lại. Hơn nữa nếu chú chim có âm thuộc dạng quý hiếm mà lại nhiều giọng điệu thì cũng năng giá trị lên rất nhiều so với những chú chim cùng loại nhưng âm không đặc biệt hoặc nhỏ , khó nghe.

4-   Chọn chú chim có bản lĩnh đấu.
Bản lĩnh là yếu tố then chốt đối với 1 chú chim đấu, bởi nếu cả 3 yếu tố trên đều đã đạt được mà chú chim lại không có bản lĩnh đấu, gáy đấu cùng các chú chim khác, không có tính chiến đấu lấn áp, đe dọa đối phương thì coi như sự chọn lựa của người chơi cũng là vô ích .
Bởi vậy chúng ta mới hay bắt gặp những trường hợp có những chú chim nhiều giọng, ra giọng dày, âm tốt nhưng chỉ để chơi thưởng thức ở nhà hoặc chỉ bắt nạt được một số ít những chú chim yếu hơn mình, còn tới khi gặp những chú chim dữ hơn thì lại sợ không dám gáy.
-Vậy nên lựa chọn được 1 chú chim đáp ứng được cả 4 tiêu chí trên không phải là chuyện một sớm một chiều.
Bên cạnh 4 tiêu chí như đã nói còn có thêm 2 tiêu chí phụ gồm
 + Chim không có tật lỗi về ngoại hình hoặc ngưỡng ngáo.
 + Chim có hình thức mã lông đẹp, không phải chim điểm mực( có chấm bí )
Tuy chỉ là 2 tiêu chí phụ nhưng nó lại góp phần quyết định giá trị của chú chim đó rất nhiều.
Những tiêu chí này đôi khi người chơi phải lược bỏ bớt tùy thuộc vào mức độ và yêu cầu của mình.
 
                                                       II-  Sơ Lược Cách Huấn Luyện
Khi người chơi đã chọn cho mình được chú chim ưng ý thì quá trình gian nan vui có, buồn có, thất vọng có mới chính thức bắt đầu. Qúa trình huấn luyện diễn ra liên tục và kéo dài suốt cuộc đời của chú chim đấu. chia làm 5 giai đoạn.
+ Giai đoạn 1: Huấn luyện cho chim quen chủ, đứng lồng.
Qúa trình này diễn ra nhanh hay chậm tùy thuộc vào mỗi chú chim, VD chim đã có tuổi lồng từ trước và mức độ tiếp xúc với chim của chủ. Hàng ngày thay vì cho chim đầy 1 cóng thóc để ăn người chủ sẽ chia ra 3 lần gồm sáng, trưa, chiều mỗi lần cho ăn chủ chim sẽ tạo cho chim cảm giác an toàn không làm những hành động làm chim sợ hãi. Đồng thời cho tay vào lồng rồi lại rút tay ra khi đó chim sẽ có phản xạ dơ cánh lên , nhưng khi thấy chủ rút ta chim sẽ có cảm giác mình dọa khiến chủ sợ phải rút tay lại. Cứ làm như vậy trong thời gian từ 2-3 tháng chú chim sẽ rất tự tin đồng thời mỗi khi chủ cho tay vào chim sẽ đánh hoặc mổ. Khi đã quen mặt chủ thì chim cũng sẽ rất đứng lồng thậm chí ta có thể kiển được chú chim.
 + Giai đoạn 2: Huấn luyện cho chim quen với việc thay đổi các vị trí khác nhau.
Sau khi chim đã quen chủ, đứng lồng có thể gáy lại như bình thường hoặc đã nổi thì ta sẽ luyện choc him qen với việc thay đổi các vị trí treo khác nhau trong nhà để đảm bào dù ở vị trí nào chim vẫn gáy như bình thường. Giai đoạn này có thể mất từ 2-4 tháng tùy thuộc độ thuần lồng của mỗi chú chim hoặc sẽ nhanh hơn nếu chú chim ta chọn là chim đã có tuổi lồng.
+ Giai đoạn 3: Tập luyện treo sào và quen với việc di chuyển bằng xe máy, đi chơi.
Sau thời gian chim đã quen gáy và ra giọng đều ta cần tập cho chim treo sào đáu . Độ cao sào là ngang với mặt người tức là ở tầm 1,8m. Trước tiên là treo tại nhà sau đó ta sẽ cho chim đi chơi tại những nhà người quen, hoặc nơi có chim để chim quen với việc đi lại, và được tiếp xúc nhiều hơn với chim lạ. Qúa trình này lúc đầu khi mang đi chim có thể không dám gáy ở chỗ lạ , nhưng khi về nhà chim sẽ gáy rất hung. Sau vài lần đi lại chim sẽ dần qen và bắt đầu gáy, gây đấu lại với những chú chim khác. Giai đoạn này diễn ra thường xuyên kéo dài từ 1-5 tháng.
+ Giai đoạn 4: Tập cho chim tiếp xúc với những chỗ có chim đấu dữ, đồng người, nhiều tiếng ồn, làm quen với các tác động ngoại cảnh như chó, mèo, phông hình.
        Sau khi đã trải qua các giai đoạn huấn luyện trên tới giai đoạn này có thể nói là chúng ta đã có 1 chú chim tương đối dạn dĩ, Vậy nên lúc này ta sẽ thường xuyên mang chim đi dượt, tập choc him quen với việc đấu tiếng với những chú chim khác trên sào treo đấu. Đồng thơi cho chim tập làm quen và chịu tác động của các yếu tố ngoại cảnh như đã nói ở trên. Với cá nhân mình, thỉnh thoảng mình vẫn hay mang chim đi gửi tại nhà mọi người 1-2 ngày hoặc mang gửi tại các quán bán chim mà mình quen sang gửi, tối lại mang về. Vào những ngày chủ nhật mình cũng hay mang chim ra treo cho đấu tại chợ hàng vì đây là môi trường rất ồn và đông  người.
      Tới khi chim dù có bị các yếu tố khách quan tác động mà vẫn không bị chi phối, vẫn mải miết gáy đấu, ra giọng thì coi như quá trình tập luyện đã thành công. Chú chim đã sẵn sàng để tham các cuộc thi.
      Qúa trình tập luyện này sẽ được duy trì thường xuyên trong suốt cuộc đời của chú chim đó. Bởi dù đã quen nhưng nếu ta bỏ bê không thường xuyên tập luyện thì bản lĩnh, mức độ dạn dĩ của chú chim sẽ suy giảm trông thấy.

                                        III- Quy trình chăm sóc phòng trị bệnh.
Sau khi đã hoàn thiện và có được những chú chim đấu đạt tiêu chuẩn thì mỗi người chơi thường rất đau đầu trong việc duy trì phong độ ổn định cho các chú chim bởi thế mà quá trình chăm sóc thể lực và phòng trị bệnh là rất cần thiết.
Đây là yếu tố mấu chốt quyết định cho sự thành công của mỗi chú chim. Bởi thế mỗi người đều có những cách thức chăm sóc riêng, phụ thuộc vào đặc thù địa lý tường địa phương và thời tiết các mùa tùy tường năm.


Thuật ngữ cơ bản về cu gáy đấu còn khá mới mẻ đối với rất nhiều ACE đam mê cu gáy. Được sự tư vấn, giúp đỡ của 1 số anh em các tỉnh thành phía Bắc có phong trào cu gáy đấu phát triển, nay đưa bản: Thuật ngữ cơ bản về cu gáy đấu lên mong muốn được sự đóng góp, xây dựng  hơn nữa để Thuật ngữ cơ bản về cu gáy đấu được hoàn thiện.
Mời các ACE tham gia đóng góp ý kiến.
Xin trân trọng cảm ơn.
BQT

hachi09:
Thế này là tương đối chi tiết rồi nhưng mỗi cái vd bác cho thêm 1 cái clip để a e mới chơi như e dễ bề học tập, lý thuyết cho luôn với thực hành thì bọn e nhanh tiếp thu hơn, cảm ơn a e!

cugay_hn:
Clip đang trong quá trình thu thập cho đủ, sau khi đủ sẽ đưa trực tiếp vào bài để ví dụ được sinh động hơn và để ACE dễ hình dung hơn.

olalala:
Trong phân biệt bài bản của hội Gáy Hà Nội thì Chu, được phân biệt là khi con chim dặt cục cù cu, cục cù cu...cù. Âm cù được gọi là chu. Âm vấp là âm đầu tiên của tiếng dặt ví dụ chim đang dặt cục cù cu, cục cù cu. Cục. Âm cục là vấp!
ngoài ra còn có âm mơ, đe, 2 âm này được cho là trùng với âm chu nên tất cả các chú chim khi đang dặt ra âm cù đều cho điểm chu để tránh tiêu cực trong chấm điểm!

manhhahp:

--- Trích dẫn từ: olalala trong 03/12/2013 08:32:32PM ---Trong phân biệt bài bản của hội Gáy Hà Nội thì Chu, được phân biệt là khi con chim dặt cục cù cu, cục cù cu...cù. Âm cù được gọi là chu. Âm vấp là âm đầu tiên của tiếng dặt ví dụ chim đang dặt cục cù cu, cục cù cu. Cục. Âm cục là vấp!
[/cngoài ra còn có âm mơ, đe, 2 âm này được cho là trùng với âm chu nên tất cả các chú chim khi đang dặt ra âm cù đều cho điểm chu để tránh tiêu cực trong chấm điểm!

--- Cuối trích dẫn ---

- Nếu định nghĩa âm Vấp là âm đầu tiên của tiếng dặt như bác nói thì hình như theo VD của bác thì nó lại là âm cuối rồi. Mà nếu cứ tạm đồng ý với Vd của bác đưa ra đi , vậy nếu câu tiếp theo sau âm" CỤC" mà con chim nó ra ngay bóng vặt " CỤC CÙ " Thì ko được gọi nó là âm Vấp nữa à? Vậy gọi nó là âm gì đây ?

- Âm Mơ theo bác giải thích thì nó trùng với âm đe( hay còn gọi là Chu Đe), và Chu ( hay còn gọi là Chu Thường ) Vậy đang gáy trận, đang đấu lại ra cả tiếng Mơ? Cái này xin đính chính với bác luôn Chưa có cuộc thi nào tại tất cả các hội thi diễn ra trong khắp các tỉnh thành phía Bắc có con chim nào được chấm là có điểm  Mơ hết nhé. trong phần bảng biểu chấm thi mọi người vẫn cho vào bởi nó là 1 trong số những thứ âm mà con chim cu gáy có chứ không phải là nó sẽ ra trong khi đấu để người nghe có thể được thưởng thức mà chấm điểm.

- Còn quy định " Tất cả các chú chim khi đang dặt ra âm cù đều cho điểm chu để tránh tiêu cực trong chấm điểm "  Đây là quy định riêng của từng hội thi theo phong cách địa phương Không thể phổ biến thành định nghĩa chung được bởi nếu cứ định nghĩa 1 cách chung chung như vậy thì âm dỗ thừa của con chim sẽ bị hiểu là âm CHU mất rồi. vì dỗ thừ âm phát ra cũng là CÙ ,như vậy là đánh giá chưa chính xác và phân loại các loại âm lạ của con chim cu gáy có .

+ Đây là bài viết xây dựng và giải nghĩa theo quan điểm thống nhất chung và cách hiểu, định nghĩa chung được thông qua và áp dụng trong cho tất cả người chơi cũng như giám khảo chấm thi của toàn bộ miền Bắc chứ không riêng 1 địa phương nào hết bởi vậy mọi mô phỏng, quy ước phải là quy chuẩn chung chứ không thể áp dụng cách thức hiểu , định nghĩa của riêng 1 nơi nào hay 1 người nào được. Tránh người mới chơi khi tìm hiểu, học bị rơi vào trạng thái tam sao thất bản.  _zoo_

Mục chính

[0] Thứ tự các tin nhắn

[#] Trang tiếp

Diễn đàn Cu gáy Việt Nam trên facebook
Chuyển tới phiên bản đầy đủ