Xem các bài viết

This section allows you to view all posts made by this member. Note that you can only see posts made in areas you currently have access to.


Chương trình từ thiện: Ấm áp vùng cao Hà Giang
Giải cu gáy đấu lần thứ nhất mừng SN diễn đàn 5 tuổi thành công tốt đẹp
Phóng sự: Nghệ nhân dân gian Trần Lữ
Diễn đàn Cu gáy Việt Nam trên facebook

Topics - Hoàng ĐL

Trang: 1 [2]
21
Thú chơi cu gáy mồi / Chim mồi của người bạn.
« vào lúc: 13/05/2012 12:45:41PM »
Cậu em mới chơi cu gáy, bắt cặp chim mồi ở Đức Trọng về, tạt vào nhà khoe rồi hỏi “Cu em thế nào?”

Con thứ nhất:












Con thứ hai:
















(Còn nữa)

22
Những chuyến gác cu thú vị / Cườm vàng ở Tà Nung.
« vào lúc: 12/05/2012 03:00:52PM »
Hôm nay, tranh thủ ngày nghỉ, tôi ới ông anh cọc chèo vào lại Du Sinh kiếm vận may. Hai anh em đi 8h mới tới nơi, ngồi gãi râu cả buổi … mồi đấu với nhau, người tám với nhau … Chỉ có vài con gáy tru tru, con chim kia đã đi bặt tăm.
Tầm 10h, ông anh nói:
“Thôi đi Hoàng ơi”
“…” – tôi nấn ná, vì tiếc con chim, tiếc ngày nghỉ quý báu.
“Anh dắt mày vô đây, đánh con này, để coi nó còn đó không”
“Nó chơi ra sao anh”
“Nó gù … nghe tan nát cõi lòng mày ơi …”
“Nữa …, nó ở đâu, mau khai ra!”
“Thì tháo kèo đi rồi đi”

***
Chúng tôi tháo kèo, đi tiếp vào Tà Nung, cách Du Sinh tầm 10 km, gửi xe ở trạm kiểm lâm rồi lội xuống một thung nhỏ.
“Bữa tao đánh Chào mào, nghe nó chơi ở đây nè. Tao lật đật dọt về sách con mồi ra, tới nơi thì mưa … @#$% …”
“Anh chạy ra chạy vô hơn 40 cây số vậy đó hả?”
“Bởi mới nói …”

***
Ông anh cầm con Đồng Kim máng lên cây mà ổng thấy nó đứng chơi hồi trước. Tôi cầm con Thổ Đồng lội tiếp qua bên kia thung. Ngồi cỡ 15 phút chẳng nghe tiếng chim ngoài trả lời.
Tôi bắt đầu cảm thấy nản thì nghe bên cội của ông anh có tiếng chim ngoài, giọng Đồng Thổ, lại nghe con mồi rút quắn quíu …
Chim ngoài thúc – kèm – thúc – kèm … con mồi kèm rát rạt – ah ha, chắc nó chung cây rồi (???) …
Rồi con ngoài bửa gù, 1 tiếng, 2 3 4 5 tiếng, 6 7 tiếng … ui rùi ui … cùù cu, cùù cu, cùù cu,
Cù cu cu, cù cu cu, cù cu cu … Đồng Kim trả đòn bằng một dây cà lăm, không đợi cho chim ngoài ra cho hết đạt gù … chim vô thế rồi đây – tôi nghĩ bụng. Tai căng hết cỡ, ngồi  xa cả 2-300m mà … không dám rục rịch, hic, rõ khổ.
… lại cùù cu, cùù cu, cùù cu … Cù cu cu, cù cu cu … ông anh may ghê, ngồi gần ngay đó luôn, chắc lão đang tan nát cõi lòng chứ còn gì, hic, mình xui thiệt …
Lát sau tôi nghe thấy tiếng gù quen thuộc của con Đồng Kim Cù cu cu, cù cu cu, cù cu cu … cù úc cù, cù úc cù, cù cu, cù cu, cù cu … đó, chắc dính rồi, dính rồi hay sao áh …
“Hoàng ơiiiiiiii, Hoàng ơiiiiiiii, dính rồi nè, về thôiiii”
Tôi tháo con Thổ Đồng xuống, lội lại chỗ ông anh, thấy ổng đang lui hui lột con bổi ra khỏi lưới.
“Dính kiểu gì thê thảm vậy?”
“Nãy mày có nghe nó chơi hông?”
“Có”
“Tê tái hông !!?”
“Tê cái con khỉ, ông ngồi kế bên, tui ngồi tuốt luốt bên kia mà tê tái nỗi gì …”
Con bổi còn tơ, ốm nhách. Nó đang thay lông mà sao sung gứm.
Cấp mình dài thòng lòng như cái ghe Ngo. Cườm vàng đóng khoảng 90% khổ cườm. Phải tội cặp cán đỏ quạch …













(Còn tiếp)

23
Tâm sự- Nhật ký / [b]Gáy gọi[/b]
« vào lúc: 08/04/2012 08:51:13AM »
GÁY GỌI

    Bài này tôi viết cách nay hơn 2 năm, hồi má vợ tôi mới mất. Nay rảnh lục ra gửi lên đây chia sẻ với ACE một cảm xúc khác liên quan đến những hoài niệm về một vùng quê - không thể thiếu hình ảnh của con chim Cu gáy ...

    1. Sáng Chủ nhật, trời Đà Lạt lạnh, lại có mưa do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới và không khí lạnh ở ngoài Bắc. Tôi dậy sớm, pha ly cà phê rồi treo con chim ra ngoài hiên ngồi nghe nó gáy. Vợ tôi cũng dậy sớm để chuẩn bị bữa sáng cho cả nhà. Bữa ăn nhẹ được dọn ra nhưng up lại đó chờ bà nội và lũ trẻ dậy cùng ăn. Hôm nay ngày nghỉ, cứ để lũ nhóc ngủ nướng thoải mái.
    Vợ tôi đến ngồi cạnh tôi, nhìn con chim ngoài hiên, hỏi:
    - Anh, con chim nó gáy giọng gì vậy anh?
    - Ah, bữa nay sao lại quan tâm vụ này nữa! Con đó gáy giọng thổ, nó đang gáy gọi đó.
    - Nó gọi …
    Vợ tôi bỏ lửng câu nói, ngồi nhìn ra ngoài mưa, nghe một lúc rồi khóc …
    Em thường kể với tôi, hồi xưa khi ba em mới mất, lúc đó em còn bé xíu, má gửi em về quê ở với bà ngoại. Quê ngoại ở Quế Sơn – Quảng Nam. Hồi đó em ở với ngoại suốt mùa hè. Em kể rằng em nhớ má, nhớ mấy chị ở Đà Lạt lắm, nhưng không dám khóc, không dám đòi về, khóc đòi về là ngoại la. Quê ngoại hồi đó nghèo lắm, nhà tranh vách đất thưa thớt. Con đường làng nhẵn nhụi, những bụi tre. Cu gáy nhiều lắm, chúng làm tổ tuốt trên đọt tre. Chiều chiều, chúng nằm trong tổ, thò đầu ra gáy.
    Em kể rằng em hay theo ngoại ra ruộng chơi. Dáng ngoại gầy gò, khắc khổ. Ngoại đi ruộng hay gánh một đôi quang không đi, về cũng gánh đôi quang không về, em không hiểu tại sao lại vậy. Ngoại từ từ với đôi quang đi trước, em thì theo sau, la cà lụm cây lụm lá, nhìn ngó mấy bụi tre, nhìn mấy tổ chim cu …
    Em kể, có lần em hỏi bà:
    - Ngoại, con chim gì ở trên đó ngoại?
    - Nó là con cu gáy.
    - Sao nó kêu hoài vậy ngoại?
    - Nó gáy gọi đó con.
    - Ủa mà nó gọi ai vậy ngoại?
    - Ngoại đâu biết đâu, chắc nó gọi chồng nó về ăn cơm. Nó gọi má nó tới đón nó về …
    “Nó gọi má nó tới đón nó về …” Bà thương em, bà biết em nhớ nhà, nhớ má, nhưng em phải ở với bà để má lo cho các chị ổn định đã. Câu nói của bà chạm vào nỗi khát khao cháy bỏng vẫn luôn ấp ủ trong em ngày đó – má tới đón về.
    Em kể, rồi chiều chiều em ra ngồi một mình ngoài hiên, nhìn lên đọt tre, nghe con cu gáy nó gọi. Em lén bà gọi “Má ơi má”, rồi âm thầm khóc, khóc miết …
    2. Trưa thứ Hai, trời vẫn mưa. Ăn cơm xong tôi lên giường nghỉ trưa, chuẩn bị đi làm, không treo chim ra hiên như mọi ngày. Vợ tôi hỏi:
    - Ủa, sao bữa nay anh không treo chim ra ngoài cho nó hót?
    - Òh, mấy con Chào mào thay lông hết rồi, mà mưa lạnh vầy tụi nó không chơi đâu.
    - Mấy con cu đang gáy dưới kho kìa!
    - Bữa nay anh không muốn nghe cu gáy. Mà em thích nghe con nào gáy thì em treo ra đi.
    Vợ tôi xuống kho lấy con thổ ra treo ngoài hiên. Đây là lần đầu tiên tôi thấy vợ chủ động treo chim ra ngoài để nghe gáy. Con chim được treo ra, nó thúc vài hồi rồi chậm rãi gáy. Vợ tôi lên giường, nằm cạnh tôi, nghe con chim nó gáy gọi, rồi lại khóc …
    Bà ngoại mất lâu rồi, bà vào Đà Lạt chơi với con, với cháu một thời gian. Sau đó bà về quê ở với cậu vài năm thì mất.
    Má vợ tôi mới mất cách nay 20 ngày.
 
   Đà Lạt, tháng 01/2010


24
lồng và phụ kiện / Đồ chơi không giống ai
« vào lúc: 05/04/2012 08:37:14PM »
Tính của tôi thích tí máy, nhưng muốn làm những cái gì đó không giống ai mới chịu, khổ thế chứ. Nếu tôi làm 2 cái gì đó là y như rằng cái sau phải khác cái trước ...
Xin mời ACE xem cho vui kết quả của việc loay hoay tí máy.

Lụp kiểu Thái (bản nháp).

Cũng vì cái tật thấy cái gì hay hay là bắt chước, thấy lụp kiểu Thái hay hay, thế là tôi nảy sinh ý định bắt chiếc.
Sau khi nghin cú chán chê các kiểu lụp của Thái, trăn trở suy tính ngán ngẩm các kiểu lụp mình sẽ làm, vẽ nháp, tính toán, nghĩ cách làm, chọn vật liệu … và cuối cùng là kết quả đây:


















Làm xong thấy nó chẳng khác lụp gác tàu dừa của miền Tây là mấy …Tôi đã nghĩ nhiều về việc tìm cách treo nó lên nhưng cuối cùng vẫn để vậy, dùng sào để gác. Muốn treo lên thì cũng có nhiều cách, nhưng cách nào cũng luộm thuộm hơn dùng sào …
Gọi là bản nháp vì đây là cái đầu tiên tôi làm ra, có lẽ nếu đi đánh thử mà có hiệu quả thì tôi sẽ cải tiến thêm gì đó (nghiên cú cách treo nólên chẳng hạn). Nhân đây cũng xin ACE góp cho ý tưởng để có thể treo được cái lụp này lên gọn gàng.

Còn đây là Đờn cò treo





Và cái này tôi gọi là Lụp trống trơn







Mớ đồ chơi trên không biết có hiệu quả gì hơn đồ chơi truyền thống không thì chưa biết vì tôi chưa thử.
Xin mời ACE khác, ai có đồ chơi gì hay hay lạ lạ thì post lên xem cho vui, ai quan tâm thì có thêm tài liệu tham khảo.

25
Những chuyến gác cu thú vị / Bẫy Cu ở Lâm Đồng.
« vào lúc: 08/03/2012 10:29:13AM »
Xin chia sẻ với cả nhà một số chuyến đi gác Cu thú vị của tôi và anh em chơi Cu ở Đà Lạt.

Con Thổ ở núi Voi - Đức Trọng.


Hôm 4/3, cơ quan tổ chức đi dã ngoại – thăm khu căn cứ 840 – núi Voi, Đức Trọng. Vùng này nhiều Cu gáy, lại nghe đồn đại có con Thổ sấm hay lắm, nó lại ở ngay rẫy của nhà anh bạn cùng cơ quan. Thế là tôi không thể không đem theo chim mồi đi. Hôm ấy tôi đem theo con Đồng Kim và con Thổ Rền (Thổ Rền chơi chưa ổn định nhưng tôi cố cho đi để so giọng với con Sấm coi sao).
7h sáng đến nơi tập trung, thấy tôi “tay cu tay gậy” luộm thuộm, anh bạn cười hô hố: “Òh, vô đó ngồi canh đi ông, nhiều người canh nó lắm rồi đó, vô canh đi rồi về mà thèm, he he …”. Con chim này trước đây ở bên khe rậm cách đó một con dông, nhưng năm ngoái cơ quan tôi đi cắm trại ở đây, tôi bắt 2 con đồng già ở khe này. Nên từ đó nó chuyển về đây và bị săn đuổi từ một năm nay. Thực tình mà nói thì hôm đó tôi chẳng hy vọng gì bắt được nó đâu, bao nhiêu người me nó rồi … Mình thì me em nào mê luôn em đó, rồi thì về đau khổ, tương tư trăn trở, thèm muốn xa xôi chứ hồi giờ có bắt được đâu, nào là em Rền nghĩa trang Cam Ly, em Bầu cà lăm ở Cà Rèn, em Rền ở Đa Sa … mỗi em là một niềm đau chôn dấu …
Vào đến bãi, tôi chọn cội đánh ngay giữa lưng dông, 7h30 treo chim xong, chọn con Đồng Kim làm tướng tiền, Thổ Rền làm lính đánh chặn. Chim mồi làm chừng 10 phút thì chim rừng bắt đầu thả bộng diều … tẹt tẹt tẹt tẹt … tẹt tẹt tẹt tẹt … tẹt tẹt tẹt tẹt … Ok, vậy là quanh đây có 3 cội – coi giọng ra sao đã. Khoảng 10 phút sau, chim rừng bắt đầu đấu lại. 1 con Thổ rặc ở dưới khe rậm, 1 con Thổ rền ở tuốt trên đầu dông – giáp rừng già, con Đồng ngay lùm thông giữa đồi bên cạnh. “Ah ha, vậy chắc con “Sấm” mà giang hồ đồn đãi là con Rền trên đầu giông, giọng nghe nặng trịch xem ra cũng sêm sêm với giọng con Rền của mình, tiến lên đầu giông thôi …” đang suy suy tính tính, ngó nghía đường lên giông thì bỗng … tẹt tẹt tẹt … một con chim đen thui bay đáp thẳng vào cội của con Đồng Kim, phùng cổ, sượng lông lưng, nó loay hoay vài vòng ngó con mồi một tí rồi tẹt tẹt tẹt … bay thẳng lên cội của con mồi Thổ, không thèm nói năng lời nào với con Đồng Kim.
… CỒ CỒ CÔÔỒ … CỒ CỒ CÔÔỒ … … CỒ CỒỘ …CỒ CỒỘ …CỒ CỒỘ …CỒ CỒỘ …
Tời .. tời … tời lất ơi …, đây mới là “nó”, cái giọng kinh khủng này … tôi chưa từng được nghe bao giờ … con Thổ Rền của tôi hình như bị choáng, nó ráng gù thêm một đạc sượng sùng. Lập tức, chủ nhà dập lại … CỒ CỒỘ …CỒ CỒỘ …CỒ CỒỘ …
… Mồi Thổ Rền … yêu trong lặng câm …
Tôi nhớ lại có người đã nói với tôi: “Nầy, người ta hay dùng chim có giọng pha làm chim mồi, chớ ít khi dùng chim có giọng rặc để làm chim mồi, em có biết vì sao không? – Là vì, chim mồi có giọng rặc nào đó sẽ không bắt được chim bổi cùng giọng với nó. Như Thổ bầu đụng Thổ bầu thì giọng con nào yếu hơn sẽ tịt … Bổi tịt thì bổi sẽ bỏ đi, không đấu nữa, mà mồi tịt thì bổi cũng bỏ đi luôn, không thèm đấu, vậy nên chim cùng giọng thì sẽ không bắt nhau được …”. Hôm nay tôi đã được trải nghiệm thực tế cho câu nói trên.   
Con chim bổi giải quyết con Thổ Rền xong, nó cắm thẳng xuống cội của con Đồng Kim, bắt đầu một cuộc tử chiến.
***************
Từ khi con chim rừng đáp vào cội, rồi không nói không rằng bỏ đi, con Đồng Kim ra bài “Ôi thôi rồi”. Cái bài này, anh em nào đã đi với nó thì biết. Nó chiêu như thúc, thúc như gù, gù lại như … chiêu … tá lả loạn xì ngàu không biết ra là thế nào … nói chung là … “ôi thôi rồi” …
Khi con bổi về tàn trở lại, con mồi chuyển từ chiêu “ôi thôi rồi” sang chiêu “ôi thôi luôn” … Con bổi thì cứ thong thả chuyền cành, nện ra từng tiếng nặng trình trịch, con mồi thì quắn quíu thía lia. Một ông chơi shortgun, một ông sài đại bác …
Cứ như vậy, sau khoảng một tiếng rưỡi, con bổi bắt đầu nhảy lụp … Cái cành thế cùi chỏ đẹp thế kia nó không nhảy, mà cứ nhè lưng lụp nhảy vào, bâu nan ngang, giang cánh ôm lấy lưng lụp, xăm mỏ vào … xong lại lên cành đứng nã đại bác … Con mồi thì lia shortgun lên, múc lại.
Cứ sau mỗi lần con chim rừng nhảy lụp như vậy thì tiếng shorgun thưa dần … thưa dần, đến lần thứ 4-5 gì đó thì mồi tắt hẳn …
“Thôi toi rồi, chắc pà mồi tiêu rồi, bổi bu kiểu đó mồi chắc đứt bóng chứ còn gì. Cu cò gì mà đá như Chào Mào là sao ?!! …” Giờ tôi mới chợt nhớ ra là mình luôn đeo cái ống nhòm trước ngực – ngó coi con mồi bị sao rồi …
Áh ha, thì ra con mồi nó giở chiêu độc. Khi con chim rừng bỏ ra cành, nó chẳng nói chẳng rằng chi cả, cứ rướn thẳng người, căng hết cườm ra, gập mỏ xuống cổ, sượng hết lông lưng lên, rồi cứ để nguyên hiện trạng như vậy, nó đi tới đi lui trên cầu, mặc cho đại bác huỳnh huỳnh bên tai … Khi chim rừng bu lồng, nó chạy lại, một chân trên cầu, một chân trên cóong lúa, xăm ra múc lại chim ngoài. Chim rừng bung ra cành, chim mồi lại giữ nguyên hiện trạng, đi tới đi lui. Thi thoảng nó sa cầu thúc vài tiếng rồi lại “giữ nguyên hiện trạng, đi tới đi lui” …
Một đứa thì bu vào bung ra, một đứa thì đi lui đi tới … Hai con cu cứ “nhảy lụp” giao lưu kiểu đó khoảng nửa tiếng.
Rồi thì việc gì đến ắt cũng phải đến. Con bổi chuyền ra trước mặt lụp, ngắm con mồi một khắc, rồi cắm đầu xuống gù. Con mồi bung ra một tràng cà lăm. Con bổi nhảy xuống cầu tử - cạch, mái lưới sụp xuống, nhẹ nhàng phủ lấy lưng con chim rừng.
Con chim rừng thấy bị vương vướng trên lưng, nó bước tới 1-2 bước rồi … gù tiếp. Con mồi cà lăm bem lại, hai con giáp lá cà – một trong lụp, một trong lưới.
Ôi! Sung sướng vỡ oà, nào thì Rền Cam Ly, Bầu Cà Rèn, Rền Đa Sa, thậm chí cả con mồi Thổ Rền đang đứng tịt mít trên kia … tất cả như chẳng còn ý nghĩa gì hêt, hôm nay tôi bắt được một con chim bổi để đời, nó sẽ là tất cả những gì tôi bắt được …
… Nhưng, bình tĩnh đã nào, lưới sập xuống rồi, nó đang đứng trên cầu tử nhưng chưa bị khoá cánh, phải bình tĩnh chờ cho nó giãy bung cánh ra để bị lưới khoá lại cái đã, nếu không …
Rồi thì con chim bổi cũng lui ra, bị vướng lưới, nó bung nhẹ hai cánh ra.
Tôi líu quíu lượm cây sào chạy lại, té lên té xuống hùi hụi vì chân thì chạy dưới đất, mắt ngó lên cây …
Tôi đứng dưới gốc cây, kéo cây sào lên để đưa lụp xuống. Nhưng, tọt – con chim rừng đâm xuống khe hở giữa gọng lưới với bửng lụp, nó rơi sạt qua mặt tôi rồi bay thẳng lên lùm cây rậm gần giữa dông núi. Con chim bổi xảy ra khỏi lụp mà không bị mất một cọng lông. Tôi sững người làm rơi cây sào xuống đất, đứng chết trân nhìn lên lùm cây nó đáp vào …
Không biết tôi đứng lặng như vậy trong bao lâu. Tôi lượm lại cây sào, đưa con chim mồi xuống, rồi ngồi chài bải ra giữa nắng. Tôi cứ ngồi vậy ngó trân trân vào cái lụp, đầu óc trống rỗng …
Đến khi bình tĩnh trở lại thì tôi thấy con mồi đang vừa lụm đất ăn, vừa rung cánh thúc nhè nhẹ. Tôi thấy vừa tội nghiệp cho nó, vừa tội nghiệp cho tôi. Nhưng thẳng thắn mà nói thì chẳng ai có lỗi ở đây cả, con mồi đã chiến đấu quá tốt, cái lụp này chưa bao giờ bị lỗi kỹ thuật, tôi chưa từng bị xảy một con chim nào kiểu như vậy, con bổi đâm đúng vị trí giữa gọng lưới với vành bửng thì phải được thoát thôi, tôi đã bình tĩnh chờ cho đến khi con bổi bung cánh ra lưới … Nhưng sự thật thì con bổi đã xảy ra, nó đang đứng chiêu trên lùm cây cao trên kia…
… CỒ CÔ CÔ Ồ … CỘỘ …
… CỒ CÔ CÔ Ồ … CỘỘ …
… CỒ CÔ CÔ Ồ … CỘỘ …
Một con chim như vậy. Mồi của tôi đã thu phục được nó. Nhưng nó lại xổng ra từ trong lưới của tôi, ngay trên đầu tôi, ngay trước mắt tôi, nó xẹt ngang quạt gió vào mặt tôi, nó chỉ còn cách tôi một nửa cây sào … vậy mà bây giờ nó đang đứng chiêu buồn trên kia … Tôi không cam tâm, không thể chấp nhận điều này. Nhưng tôi còn biết làm gì được nữa đây?!!
Cảm giác chán nản, tuyệt vọng từ từ chẹn lấy tôi. Việc đầu tiên tôi nghĩ đến là từ bỏ nghiệp gác cu. Thôi thì mấy con chim mồi, đứa thì cho ghép đẻ, đứa vào lồng rộng, …
Biết đâu “hoạ là chỗ dựa của phúc”, biết đâu bỏ gác cu đi, mình sẽ được gì đó hay ho hơn thì sao …
***************
Tôi gọi điện cho ông anh để chia sẻ nỗi thất vọng khủng khiếp của mình, định tháo kèo về trại nhậu nhẹt tới chiều rồi mò lên thử con Rền trên đầu dông coi sao (nếu còn tỉnh táo).
Anh ấy nói với tôi “Vẫn còn hy vọng bắt lại được nó, miễn là chú phải giải quyêt việc đó nội trong ngày hôm nay. Và quan trọng là chú phải kiên trì, đừng nản chí”.
Tôi được an ủi động viên, từ từ trấn tĩnh lại, dẹp bỏ mọi việc đã qua, suy xét lại thì thấy rằng mình đúng là vẫn còn cơ hội tái ngộ với con bổi này. Tôi gọi lại cho anh ấy, trao đổi thế đánh lần thứ hai với con bổi Sấm. Hai anh em thống nhất phương án đánh ép tàn, không cần cành thế nghiệt nữa, chuyến này cho Thổ Rền làm tướng tiền, Đồng Kim đánh chặn.
Trao đổi, quyết định chọn sẵn cội xong, tôi tháo kèo đem 2 con mồi về trại, tham gia với mấy anh em cơ quan đang nhộn nhịp chuẩn bị mồi nhậu, kêu nhau í ới …
***************
Buổi trưa hôm đó, tôi ngồi nhậu, miệng thì nói chuyện phiếm với anh chị em cơ quan, đầu thì cứ tính thế móc lụp. Suy đi xét lại, đắn đo mãi. Bên tai lại cứ nghe tiếng của con chim rừng uỳnh uỳnh, nặng trịch …
Tôi uống vài lon, gắp 1-2 miếng mồi, 1h trưa lại sách 2 con mồi, lượm cây sào băng lên dông.
Tôi lên đến lùm cây nơi con bổi đứng chiêu, lựa thế ép con mồi Thổ thật cẩn thận. “Hôm nay tất cả trông cậy ở mày …”. Tôi lại quyết định không đổi cội của con Đồng Kim, cứ treo cội cũ, cành cũ, nhưng bỏ thế cùi chỏ đi, xoay lồng ngược lại, lấy cành con bổi nhảy bu lưng lụp hồi sáng làm cành thế chính. Xong xuôi đâu đó, tôi lẩn vào bụi chuối, ngồi chờ …
Con mồi Thổ hồi sáng chơi ấm ớ vậy, khi đổi kèo mới, nó cứ loay hoay không chịu lên tiếng, con mồi Đồng Kim thì do trưa nắng quá nên chiêu thúc cũng có phần rời rạc – cũng chẳng còn nghe con chim rừng nào gáy cả - coi như hy vọng không còn nữa …
Tôi đang nghĩ miên man, tính chuyện lên thăm con Rền ở đầu dông thì bỗng nhiên, con mồi Thổ lên tiếng … Nó chiêu vài tiếng, dặm vài hơi. Lập tức, ngay gần đó, cái tiếng gù cồ cộ quen thuộc lại phát lên. Chim rừng đáp ngay thế con Thổ Rền, gù áp đảo. Thổ Rền gù gượng vài đạc rồi … yêu trong lặng câm …
Trong khí đó, ở dưới gần chân dông, con Đồng Kim tiếp tục bài “Ôi thôi rồi” …
Giải quyết con mồi Thổ xong, con chim rừng cắm xuống cây gần chỗ treo con mồi Đồng Kim. Nó vẫn đấu căng như hồi sáng nhưng không nhập tàn, cứ đứng trên cây gần đó nã đại bác xuống đầu Đồng Kim, Đồng Kim lia shortgun lên bem lại. Đặc biệt trưa nay, con Đồng Kim ra toàn giọng gù cà lăm. Ngồi trong bụi chuối gần con Đồng Kim, nghe 2 con chim nã nhau, tôi không thể ngồi im được nhưng lại không dám rục rịch, sợ rục rịch lại sột soạt lá chuối khô …
Tôi ngồi “chịu đựng” như vậy trong khoảng 1 tiếng rưỡi thì con bổi nhập tàn. Nó cắm thẳng xuống cành thế, gù 3 đạc rồi nhảy luôn. Cạch …
Chuyến này nó không gù tiếp mà lui ra ngay, vướng lưới nó lại đi vào. Con mồi lao ra áp sát cái mặt lụp chửa, chụp con bổi gù lấy gù để. Con chim bổi búng lên định nhảy lại lên cành thế thì bị khoá cánh. Không hấp tấp như hồi sáng nữa, tôi để cho nó giãy bị lưới khoá luôn chân rồi mới từ từ bước ra đưa nó xuống đất. Việc đầu tiên là nhổ hết lông cánh của nó đi, sau đó ngắm nó một lúc rồi mới lôi nó ra cho vào túi rút.
“A lô, anh ơi, em bắt nó lại được rồi”./.

Trang: 1 [2]
Diễn đàn Cu gáy Việt Nam trên facebook

AUTO [F9]TELEX VNI VIQR VIQR* OFF Check Spell Old Accent