Chương trình từ thiện: Ấm áp vùng cao Hà Giang
Giải cu gáy đấu lần thứ nhất mừng SN diễn đàn 5 tuổi thành công tốt đẹp
Phóng sự: Nghệ nhân dân gian Trần Lữ
Diễn đàn Cu gáy Việt Nam trên facebook

Tác giảChủ đề: Mạ  (Đọc 1513 lần)

0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.

Tre làng

  • Administrator
  • Hero Member
  • *****
  • Bài viết: 1233
  • Thanks 450
  • Bamboo
    • Xem hồ sơ cá nhân
    • http://omega-7.org
Mạ
« vào lúc: 02/08/2011 07:49:22PM »
Sáng nay ra chuồng chim cu thấy mẹ nó cho con ăn mà nhớ tới mẹ mình ngày xưa. Bài này Tre làng viết đã lâu trong trang địa phương quangtrionline nên dùng nhiều từ địa phương. Hôm nay đọc lại nhớ mạ (quê mình nhiều người kêu mẹ bằng mạ). Nay copy vào đây để chia sẻ cùng anh em và muốn anh em có một chút nghĩ về người mẹ thân yêu của mình, nếu bạn có 1 chút thời gian hãy viết về người mẹ thân yêu của mình. Tre làng chắc rằng tất cả người mẹ đều đáng yêu đáng kính.

---------------------------------------------

Mời bà con tham gia viết về người mẹ kính yêu, quê miềng 10 người mẹ thì cả 10 người khổ rồi, có ai sướng mô. Tự nhiên hôm ni nhớ mạ ghê, thôi viết vài dòng cho đỡ nhớ mạ.
 Mẹ nuôi con biển hồ lai láng
 Con nuôi mẹ kể tháng kể ngày.

Hồi nhỏ, nó hay nghe mạ nó nói câu này nhưng nó có hiểu con nuôi mẹ kể tháng kể ngày là chi hết. Nó cứ nghỉ khi mô lớn lên nó nuôi ba mẹ nó sẽ không kể ngày, ai đời mô mà kỳ rứa. Bằng tuổi nó bây giờ mạ nó có 8 đứa con, trước giải phóng nghe đâu cũng tàm tạm, (ba nó đi lính nên có lương cho cả nhà, thậm chí có khi nó thấy mượn thêm con nhà hàng xóm để phát gạo) lúc đó nó nhỏ tí có biết mô. Sau ngày giải phóng, về làng với một bầy con, hầu hết còn nhỏ nên không có suất lao động. Nhà chỉ có 2 suất độ tuổi lao động là ba và mạ nó. Vào hợp tác với bầy con như rứa lấy gì mà ăn. Mạ nó không vô hợp tác xã mà đi buôn cá, hồi đó họ gọi mạ nó là tiểu thương, họ lên án chống tiểu thương dữ lắm, năm ba bữa là kêu đi họp, quán triệt không được làm tiểu thương. Nói thì nói rứa chứ chẳng ai ra níu gióng mạ nó lại mô.

Tiểu thương có sung sướng chi, 4h sáng lúi húi dậy cho heo ăn, cháo heo, lo cơm khoai cho 8 mẹng ăn, mạ nó sương triêng giống đi bộ xuống tận Cửa Việt. Mua được cá thì phải chạy bon bon chứ không được đi, vì đi lâu cá sẽ ươn mà hồi đó làm chi có nước đá như bây giờ. Mạ nó chạy từ cửa Việt lên tận chợ Thuận khoảng 12 km, cả đi và về vị chi là 24km. Ngày mô không bán hết cá thì phải đi bán rao queng làng, làng ni qua làng khác thì không biết bao nhiêu mà tính nữa, có hôm 4-5h chiều mới về tới nhà. Sau này đi học trên Quảng trị nó mới biết đạp xe từ dưới làng lên Quảng Trị có 13 km mà nó thấy cũng bở hơi tai rồi, thế mà mạ nó lại chạy bộ mà còn gánh thêm mấy chục kg cá! Chắc lúc chạy mạ nó nghỉ tới 8 đứa con sẽ đói nên mới chạy nỗi.
[img]http://lexuyen.org/photo/albums/userpics/banoi-chau.jpg[/img]
Thường thì ăm cơm tối xong mạ nó để lại 1 ít để sáng mai dậy sớm ăn cho kịp giờ, chứ sáng dậy loay hoay sợ trể không mua được cá tươi. Những hôm học khuya mạ biết nó đói bụng nên dặn nếu con học khuya thì lấy cơm mạ mà ăn. Hồi đó sao người thì nhỏ mà ăn mấy không thấy no, cơm ăn 4-5 chén là chuyện thường (bây giờ 2 chén ăn không hết). Rứa là nhiều hôm đói quá nó ăn thiệt, thường
ăn 1/2 còn lại chừa 1/2 cho mạ, dù nhiêu đó sức nó có thấm chi mô. Có hôm mạ dậy thấy học khuya lại đi hâm cơm cho nóng, lại ăn đi con. Những hôm như vậy mạ nó lại dậy sớm hơn để nấu khoai khô chờ chín là bới theo vừa đi vừa ăn cho kịp buổi chợ, nhưng có hôm dậy trể là mạ nó nhịn đói để đi chợ.

Nó thường dậy theo mạ nấu ăn để được ngồi bếp những lúc trời lạnh, mùi rơm rạ cháy đến nay cũng không quên được. Ngồi bếp lại giúp mạ đun rơm, rồi đến khi mạ ăn sáng thì chi chi cũng chừa cho nó 1 ít, như là phần thưởng đun bếp. Những hôm trời lạnh, nó ngồi hoài bên bếp cho tới sáng. Trời buốt khi mùa đông, cái lạnh quê nó không lạnh lắm nhưng do có gió cộng thêm độ ẫm cao nên thấy lạnh nhiều, mạ nó vẫn lặn lội đi khi trời chưa sáng. Có hôm người ta đồn có tam la trên rú (họ mô tả tam la là người trần truồng , ghẻ lở toàn thân, lại thích hiếp phụ nữ). Mạ nó sợ nên ba nó phải đưa ra khỏi rú mới về, có hôm nó cũng đi theo. Sau này nó biết họ đồn vậy là vì trên rú có người về đó chờ vượt biên bằng đường biển, đồn rứa để không ai lên đó phát hiện ra họ.

Ngày nó lên đường vào Sài gòn để đại học, là ngày mạ nó khóc quá trời, mạ nói xa con, ai nấu cho nó ăn, lại không học gần gần ở Huế như eng nó mà vô tận Sài gòn, lạ nước lạ cái không người thân thích. Những năm sinh viên hầu như tháng nào nó cũng biên thư về thăm mạ. Mạ nó có biết chữ mô mô, ba nó đọc cho nghe. Rứa mà một hôm nó lại nhận được lá thư, mở ra thấy chữ to đùng, một trang giấy mạ viết có mấy dòng là hết. Hồi ở nhà thỉnh thoảng nó nghe mạ nó kể rằng hồi trước có phong trào "bình dân học vụ" mạ nó có đi học, đi học cho biết chữ để đi chợ, ai biết chữ họ mới cho vô chợ, nên ai cũng phải đi học dù có chồng con. Có mấy bà tưởng ngày nào cũng treo câu đó, nên cứ thuộc câu hôm trước, không ngờ họ đổi câu khác rồi nên... bể dĩa, mấy người cười đau bụng luôn! Rồi mạ nói "O tròn như quả trứng gà, Ô thì đội nón, Ơ thì có râu, dệ òm!"


nguồn: quangtrionline
« Sửa lần cuối: 02/08/2011 07:53:36PM gửi bởi Tre làng »

Tre làng

  • Administrator
  • Hero Member
  • *****
  • Bài viết: 1233
  • Thanks 450
  • Bamboo
    • Xem hồ sơ cá nhân
    • http://omega-7.org
Trưa ni mạ miềng ăn chi hè?
« Trả lời #1 vào lúc: 02/08/2011 11:29:49PM »
Bài này của bạn Hoàng Công Danh, một học sinh giỏi toán của Quảng trị, các bạn đọc đi sẽ thấy một tấm lòng người con hiếu thảo. Một bài viết đầy cảm xúc và  cũng được đăng trong quangtrionline.

----------------------------------------------------

Trưa ni mạ miềng ăn chi hè?

Xưa mình đi xem tranh Lê Bá Đảng, không hiểu vì răng ông hay vẽ hạt gạo dữ rứa (?) mặc dù ông ở tận bên Pháp. Giờ thì mình biết rồi! Bởi cái hạt gạo Triệu Phong quê miềng chua chát lắm, khổ cực cay đắng lắm, đi mô rồi cũng không thể quên được. Gạo đã nuôi mình khôn lớn, nhưng hơn thế, gạo còn ám ảnh mình về một quá khứ những ngày đói nghèo.

Năm mình học lớp 7, mạ sinh thêm em Hưng. Vậy là nhà có ba thằng con trai. Tam nam bất phú, ông bà ta nói cấm có sai. Những ngày mạ ở cữ là những ngày cái nghèo cái đói ập tới. Thật ra trước đó nhà cũng nghèo, nhưng mạ chạy chợ được nên mượn đây đập đó. Những chuyện nợ nần mạ giấu cả, không cho bất cứ ai biết. Mới sinh xong chưa mần được việc chi, mạ cứ nằm trên giường rứa thôi. Gạo trong thùng cạn dần, rồi hết. Hôm đó mình thấy hết gạo, hỏi sáng mai ăn chi mạ? Mạ không nói chi cả, nước mắt trào ra. Rứa mà sáng hôm sau mạ vẫn thổi được cơm cho hai anh em ăn đi học.
 Trưa về mình giở cái nắp thùng ra, lại thấy hết gạo, hỏi tối ni ăn chi mạ? Mạ lại không nói chi, nước mắt trào ra...

Cứ thế, cái thùng chả bao giờ có gạo nhưng cơm thì đến bữa anh em mình vẫn có để ăn mà học. Một hôm mình núp sau vách ngó vô, thấy mấy o đến thăm mạ thì mạ hỏi mượn gạo.

Ngày mô có người đến thăm, mạ cũng hỏi mượn gạo. Làng nghèo, gạo ăn đúp vá qua ngày qua tháng, nên có cho mượn cũng chỉ độ vài lon thôi.
 Hôm còn lại ít gạo, nấu chín, mạ múc ra cho mình và anh Trứ ăn, còn mạ thì nhịn. Mình hỏi răng mạ không ăn? Mạ nói mạ ăn hồi sáng rồi, nhưng mình biết mạ nhịn, nhà có chi nữa mô mà ăn. Đến chiều cả mình và anh Trứ đói vì ăn ít cơm quá, mạ cũng đói lắm nhưng mạ không nói gì. Mạ lục dưới chân gác mấy củ khoai còn lại, đem ra nấu chín rồi cùng ăn. Vừa ăn mạ vừa nói, không có cơm ăn mần răng hai đứa đi học hè? Anh Trứ nói e nghỉ học mạ hè? Và thế là có mấy buổi đói quá mình ở nhà luôn.
[img]http://quangtrionline.org/photo/albums/userpics/normal_Image189.jpg[/img]
Mình đến lớp thầy hỏi răng nghỉ học hoài, mình sợ ngại nên nói mấy bữa ni bị đau. Bây giờ nghĩ lại không biết vì răng hồi đó mình nói dối thầy mần chi, đói thì nói đói không đi học được.

Năm mình học lớp chín thì mạ mang thai em Như, lại thêm một lần sinh vì nhà chưa có con gái. Khổ! Đã nghèo còn gắng. Mình đi học trời lạnh, áo ấm không có. Cái áo ấm cũ mang mấy năm rồi nên nó chả còn giữ ấm nữa. Hôm lạnh quá nói mạ ơi mần răng đi học? Mạ nói ra chợ Thụn, tới quầy o Nguyệt thích cái áo nào thì mua, rồi mạ trả tiền sau. Mình tới quầy o Nguyệt, nói o bán cho cái áo ấm mô rẻ nhất ấy! Đó là lần đầu tiên trong đời mình được mặc một chiếc áo ấm mới, trước đây toàn mặc đồ cũ của anh Trứ thôi.

Cũng giai đoạn đó, mạ mình đau ốm luôn, không chạy chợ được. Lại đói! Mình đi thi học sinh giỏi giải Toán Casio cấp huyện. Thầy hiệu trưởng cho 5 đứa 50 nghìn nói để ăn quà. Nhưng không đứa mô ăn, đem đổi ra chia mỗi đứa chục ngàn. Mình cầm chục ngàn về cho mạ, nói con đi thi học sinh giỏi, không biết có giải không nhưng thầy cho mười ngàn nên đưa cho mạ mua gạo.

Gần tết năm đó nhà đói meo, cả xóm ai cũng hết gạo, chạy xúng xoắng mượn quanh mà chả có. Mình lúc đó được điều đi bồi dưỡng đội tuyển. Mỗi ngày đạp xe 5 cây số lên Triệu Thành học mà cái bụng thì đói. Ra năm giêng hai còn đói hơn nữa, cũng là lúc mình đi thi liên tiếp ba cuộc thi. Mình nhớ mãi cứ mỗi lần ra Đông Hà thi, cả đoàn vào quán ăn cơm, nhìn thấy cơm thịt đầy đủ tự dưng nghĩ, không biết trưa ni mạ miềng ăn chi ở nhà hè? Gạo hết sạch bách rồi còn mô nữa. Và chảy nước mắt, đi ra sau lưng quán khóc một mình.

Đến cuối năm trường lại phát thưởng cho mình 120 nghìn. Mình lại cầm về cho mạ đi đong gạo. Mỗi lần có tiền là thùng gạo có đầy lên một tí, nhưng rồi lại cạn. Năm đó huyện kêu lên thưởng cho mình chiếc xe đạp. Mình đem xe về cả làng đến xem, ai cũng khen. Còn mình lại buồn, mình nói, mạ ơi răng họ cho xe đạp mà không cho tiền để mua gạo hè? Mạ mình chảy nước mắt!

Đó là những ngày đói nhất trong cuộc đời mình. Cái nghèo cứ ám ảnh mình một chữ Gạo to đùng. Nhưng ngày đó cả làng cả xóm nhà ai cũng nghèo nên mình chẳng thấy buồn lòng, chỉ thấy đói lòng thôi.

Năm ngoái. Mình từ Huế ra buổi sáng thì đến chiều nhận được tin bay đi học gấp, mình nói với mạ. Mạ bối rối, chừ kiếm mô tiền để đem đi hè? Cũng phải mang theo một ít chơ. Rồi mạ xắng xít chạy quanh suốt đêm để vay. Hôm sau tiễn mình lên thị xã Quảng Trị, mạ dúi vô tay ba trăm đô la, mạ không nói gì mà chỉ chảy nước mắt! Mình biết tiền đó là mạ chạy đi vay nóng tối hôm qua. Mình cầm mấy trăm đô ra Hà Nội, may mà có Bộ GD cấp tiền trước. Mình nhét gần một ngàn đô của Bộ bên túi trái, ba trăm đô của mạ bên túi phải, và thấy cái túi phải nặng hơn. Có lẽ đó là ba trăm đô Gạo chứ không phải tiền!

Bây chừ ở đây, mình thò tay vào túi nào cũng có tiền, Đô la có, tiền Rúp cũng có, chợt nhớ về những ngày cũ mà chảy nước mắt. Tự dưng nghĩ, trưa ni mạ miềng ăn chi hè?

By Hoàng Côgn Danh
Minsk 17.10.08

Molera

  • Jr. Member
  • **
  • Bài viết: 24
  • Thanks 1
  • Chung niềm đam mê....
    • Xem hồ sơ cá nhân
Re: Mạ
« Trả lời #2 vào lúc: 03/08/2011 09:00:23AM »
Tôi đã đọc hết rồi.
(Bấm vào)
Vợ chồng giận nhau con cu làm hòa. Ông bà ta nói đố có sai.

Tre làng

  • Administrator
  • Hero Member
  • *****
  • Bài viết: 1233
  • Thanks 450
  • Bamboo
    • Xem hồ sơ cá nhân
    • http://omega-7.org
Re: Mạ
« Trả lời #3 vào lúc: 11/08/2011 06:29:09AM »
Bài dưới đây cũng viết về mạ (mẹ) của một thành viên Vi trong đợt viết về mẹ trên QTO, nay tiếp tục chuyển qua cho cùng sơ ri để bà con đọc nhân dịp sắp lễ vu lan. Đọc thêm bài này để thấy mỗi người mỗi hoàn cảnh nhưng người mẹ nào cũng có một nghị lực phi thường, hy sinh tất cả vì con.

----------------------------------------------------

Vi đang lau những giọt nước mắt chảy dài trên má khi đọc những dòng chữ về hình ảnh thân thương của người mẹ anh Nguyen. Tự nhiên không ngăn được 2 hàng nước mắt, sao Vi lại thấy thương mẹ nhiều hơn trước dể sợ.

"Bên ướt mẹ nằm bên ráo con lăn"


Vi là con út trong nhà, trước Vi là 6 anh trai lúc sinh Vi ra ai cũng mừng vì đã kiếm được 1 đứa con gái. Chỉ nghe ba mạ kể lại mỗi khi gia đình ngồi lại đông đúc, khi ba đi cải tạo về thì mới có Vi, lúc đó gia đình thiếu thốn hơn lúc nào hết. Khi ba ra tù tưởng chừng sẽ chết vì ốm yếu dáng đi không nỗi rứa mà không biết răng lại lòi ra Vi. Việc đồng áng nặng nhọc từ ngoài đồng về trong nhà đều do 2 bàn tay của mạ, thêm con dại và 6 đứa con leo nheo. Khi ba đi tù mạ buồn tủi nên bắt đầu hút thuốc cho lòng bớt lạnh, nên khi sinh Vi thì mạ gầy gò và thiếu sữa. Mạ nói có nhiều lần mạ bôồng Vi chạy queng xóm để mượn cái bình sữa [img]http://quangtrionline.org/forum/Smileys/halloween/trink21.gif[/img], mạ chạy chựa mượn bình đến tháng thứ 5 là bắt đầu cắt sữa cho ăn cơm mem. Vi là người làm mạ gian nan nhất, Vi lại yếu ớt nên bỏ sữa là điều không thể được. Cho nên mạ phải vô Huế nhờ đến Ngoại nuôi Vi dùm, chứ ở quê tiền mô mà mua sữa. Nhờ các cậu chưa ai có gia đình nên Vi là thành phần được nâng niu, Mạ xay gạo đem vô cho Ngoại mỗi khi vô Huế thăm con để phụ thêm tiền mua sữa cho Vi.

 Rồi những lần bị Mụ Cô Bà quở, mạ ba chin bốn cẳng chạy nhờ thầy bà tới cúng, nghe ai méc chổ mô có thầy cúng hay là chạy tới đó. Ôi! nuôi 1 đứa con sao gian nan thế ?? sao Vi lại làm khổ mẹ đến như vậy ?? Con đông và dại nên mạ cứ sáng ra rọng chiều về chứ có buôn bán chi xa thêm mô. Nên cuộc sống càng lúc càng đè lên các vụ lúa màu đông xuân, mà rọng thì có mấy thước mô, còn phải đóng ló cho hợp tác xã nữa. Vi còn nhớ những đêm mạ cùn xăn tận háng, bôồng Vi đi họp đội, ai họp kệ ai đầu mạ ngúc lia chia.

Vài năm sau thì ba đã giúp mạ được việc đồng áng, các anh cũng lớn, mạ hơi rẻng tay nên đi buôn gạo. Chiều mạ chạy đi qua các làng khác mua ló, nghe mạ kể có khi chạy bộ băng qua rọng về tận làng Vĩnh Lại mua ló lận, không biết bao nhiêu cây số mà chừ đi xe máy cùng mất hết nữa tiếng đồng hồ. Mạ kể có diều bựa sương 4 thúng ló côi vai chạy đường rọng rồi cứ chuyền thêm, lúc đó họ đi buôn ló cũng diều lắm mà không ai vượt qua mạ hết. Chạy mấy chuyến "đỏi" cũng tới nhà, chừ tới phiên "là hù là khoan" xay gạo, và giả gạo. Ngày xưa mần chi có máy xay gạo như bây giờ, rứa là cứ kéo mấy ông eng ra bắt xay gạo xong rồi giả. Cứ nghe lốc cóc cả ngày đêm rứa tê, mạ ngồi sàng dành, mần xong cũng quá bựa cơm túi. Sáng mạ dậy cở 4 giờ chạy lên chợ Đông Hà ngồi bán gạo, có bựa 7 giờ đã về tới nhà rồi.

Ngày xưa mỗi lần cần đóng tiền học phí cho tháng là Vi sợ rùng mình đến chừ cũng còn dớ cái cảm giác đó, khi nào cũng đợi đến ngày cuối tháng mới hỏi mạ tiền đi nộp. 7 đứa con đi hoọc đều trên đôi triêng gạo của mạ, rứa mà mạ không cho đứa mô bỏ học hết. Mạ còn nói đứa mô dác học tau cạo trọc hết nên đứa mô cũng sợ, chớ mấy ông eng của Vi ông thì giã đò đau mắt, ông thì nói khu bị mụt lợ thầy đập toe loe đau lắm ...

Cái ngày nhận giấy tờ xuất cảnh mạ có chịu đi mô, khóc lóc như mưa xối còn nói lẩy cha con mày đi đi tui ở lại.

Đến bây giờ mạ vẫn chưa hết khổ với con cái, vì có đứa cứng đầu chưa chịu để vợ lo thay mạ, và có đứa không chịu rời xa mạ.

Ôi! Mạ mãi mãi là mạ của con

---------------------------------------
Những lúc gia đình tụ tập về đông đúc dưới 1 căn nhà đầy tình thương, nào con nào cháu nhìn khuôn mặt của mạ vui không ngớt. Chừ đến lúc chụm đầu lại nói "xúi tỳ", Mạ kể ngày xưa mạ không ưng ba chút mô hết, mạ ưng cái chú ở gần dà thôi, có lẽ duyên số đưa đẩy nên mạ bị lấy ba. Ngày xưa mạ đã biết nghe bài hát "Bông điên điển" rồi, mạ ưng lấy chồng gần chứ không ưng lấy chồng xa chim kêu vượn hú không biết nhà mạ mô mà tìm, mạ nói rủi mô dà chồng nghèo lâu lâu chạy về dà mạ xin ruốc. Mấy eng tam hay chọc mạ, răng hồi nớ mạ mần đày nếu mạ ưng cái chú gần dà Ngoại thì chừ mạ có được đi Mỹ mô .
Không biết vì tình cảm quê chồng quá thắm thiết hay vì không sợ cuộc sống cực khổ thêm nữa mà mạ đã từ chối 1 2 là không đi Mỹ. Mãi cho đến lúc bạn bè của Ba ai cũng đi gần hết và gởi thư về nỗ banh làng thì khi đó mạ mới ngúc theo ba để dẫn các con đi Mỹ. Mạ một lần nữa lao đao vì con, biết rằng xuất cảnh lần này sẽ không trọn gói vì có eng đã quá tuổi 21. Ba nói với mạ chừ đi một nữa rồi khấn nguyện ông bà mấy đứa sẽ qua sau. Ba nói rứa để mạ yên tâm để mấy eng nậy ở lại chớ cũng mập mờ chưa biết ra sao.

Vì tương lai của con, mạ đành phủi 3 đứa con trai ở lại VN mong sớm ngày đoàn tụ. Ngày nhận vé máy bay đi Mỹ là ngày mạ chết lên chết xuống mấy lần. Máy bay cách cánh coi như quê hương bỏ lại, phía bên kia là một bầu trời đầy mây đen thẩm.

 
Xa nữa vòng trái đất mà mạ lo cho con của mạ đã ăn cơm chưa, ai nấu cơm cho con mạ ăn, chừ tụi nó đang mần chi, ai giặt đồ cho nó ..... ??? ? Ngày xưa năm 90 điện thoại không rẻ như bây giờ, 1 phút là gần cả đô, mỗi khi mạ dớ mấy eng là gọi điện về nhà ông chủ tịch xã nhờ kêu mấy eng cho mạ gặp. Cầm điện thoại muốn nói chuyện với con mà mạ có nói được lời mô mô, nhớ thương nghẹn cả cuống hoọng. Mạ chờ thư của mấy eng mà in cảnh "hòn vọng phu" chờ chồng rứa, cứ ngồi cửa sổ chờ người đưa thư đến hể thấy lá thư có viền sọc đỏ xanh là chính thư từ quê nhà.

Đến bến bờ tự do mạ xin đi làm việc nhiều giờ để dành dụm tiền gởi về cho con và gia đình. Những năm đầu ở Mỹ không có thứ 7 nào mạ nghĩ làm hết, một tuần mạ làm hết sáu ngày rồi chủ nhật được nghĩ thôi. Mạ nói tuy đi mần cũng cực khổ như bên quê nhưng đây mần có tiền dư bên quê thì không. Từ căn nhà tranh đến quán buôn bán đều do mạ đi cày quên ngày tháng để xây đắp cho con mạ no ấm.

Nay tóc của mạ đã lấm chấm đổi màu, con cháu đầy đàn nhưng mạ vẫn không hở tay, đứa thì nội con muốn ăn, đứa thì nội con muốn ngủ. Có đôi lúc búi mắt mạ chưởi "mệ nội mi".

 
Nguồn: quangtrionline.org
« Sửa lần cuối: 11/08/2011 06:32:12AM gửi bởi Tre làng »

nhanhot73

  • Global Moderator
  • Hero Member
  • ****
  • Bài viết: 925
  • Thanks 244
    • Xem hồ sơ cá nhân
Re: Mạ
« Trả lời #4 vào lúc: 11/08/2011 04:13:57PM »
Tất cả mọi câu chuyện về Mạ, Mẹ, U, Bầm đều rất hay, rất cảm động , đơn giản một điều bởi vì đó là viết về Mẹ .
Mong rằng anh em viết nhiều hơn nữa về chủ đề ni , dẫu biết, đọc là cảm động rơi nước mắt nhưng đọc bao nhiêu cũng thấy không đủ . Cơm, áo , gạo , tiền và bao vất vã của cuộc sống đã trui rèn chúng ta thành những người vững chãi . Nhưng trước mẹ , thì cũng chỉ là những đứa trẻ dại khờ như ngày nào ! Ngày vợ mình đau đớn chuyển dạ suốt 2 ngày khi sinh cu Bin . Mình đã lén khóc vì thương vợ , khi đó thực sự cảm nhận mình đã trưởng thành . Thương mạ quá . Mạ mình hồi nớ cũng đau như rứa . Rồi vợ chăm con , mình lo cho con . Mình mới hiểu : Hồi nớ, ba, mạ mình cũng rứa . Vậy mà đã có lúc lỡ làm ba, mạ buồn . Mong rằng tất cả chúng ta không có ai làm cho những đấng sinh thành buồn nữa , dẫu là một chút .
Trăm năm trước ta chưa hề có
Trăm năm sau có cũng như không
Cuộc đời có có không không
Trăm năm còn  lại tấm lòng mà thôi .

NoName

  • Chính thức
  • ***
  • Bài viết: 64
  • Thanks 7
    • Xem hồ sơ cá nhân
Re: Mạ
« Trả lời #5 vào lúc: 12/08/2011 10:08:54AM »
“Con nợ mẹ cha những ngày vui bất tận
Rong ruổi suốt cuộc đời không định hướng tương lai
Con nợ những chiếc hôn còn nóng hổi vành môi
Trong cơn điên loạn giữa bạc tiền mến mộ

Con nợ căn nhà sập xệ bàn tay mẹ mòn tháng năm
Để con lớn khôn mắt xanh hồn lữ thứ
Con nợ những trưa hè oi bức cha gồng gánh gia đình
Con đứng đó dửng dưng để thấy từng nhát đau xuyên qua ngực

Con nợ lòng dũng cảm đâu đó cần một thâm tình
Con nợ những giản đơn đời thường để che đi lòng kiêu hãnh
Con nợ đời sắp hai mươi vẫn chưa góp nhặt
Huênh hoang giữa mọi người để cô đơn đầy ắp cõi lòng

Con nợ sự tri ân ai đó yêu qua lời thơ tiếng nhạc
Con nợ đêm dài vồn vã những ấu trĩ dại khờ
Con nợ mẹ cha không bao giờ trả hết
Những nỗi nhọc nhằn con chỉ biết cắn vào môi

Bài học đầu đời thật vất vả mẹ cha ơi!
Xin cho con im lặng để mắt con cay
Xin cho con lạnh lùng để con không bật khóc
Xin cho con góp nhặt để còn chút lương tâm
Xin cho con chuộc lỗi dù biết đã muộn màng ”.

Thật sự mình đã không kìm được nước mắt khi đọc bài thơ này. Con đã nợ cha mẹ quá nhiều mà suốt cuộc đời con  không thể nào trả hết. Mong cha mẹ hay tha thứ cho đứa con bất hiếu này. Xin cảm ơn tất cả những gì tốt đẹp nhất mà ba mẹ đã dành cho con.
"Đi khắp thế gian không ai thương con bằng Mẹ
 Gánh nặng cuộc đời không ai gian khổ bằng Cha"

 

Diễn đàn Cu gáy Việt Nam trên facebook

AUTO [F9]TELEX VNI VIQR VIQR* OFF Check Spell Old Accent