Chào bạn đến với trang Cu gáy In
Viết bởi Administrator   

Tôi là một người mê chim gáy từ nhỏ, từ khi con học cấp II. Tôi chơi cho đến khi vào đại học thì đành bỏ lại chim mồi cho gia đình tôi nuôi. Hồi đó những năm 1990 nghe đâu có người đến trả chim mồi với một số tiền lớn nhưng ba tôi nhất định không bán. Chim mồi tôi nuôi là do tôi đổi một con chó săn rất đáng giá, nó gáy thỉnh thoảng có một hậu (cục cu cu...cu- một hậu) nhưng thường thì không hậu (cục cu cu- không hậu). Con chim này người bẫy không biết nó thế nào vì không quan sát kỹ. Nuôi chưa tới 1 năm thì nó đã "nổi", và tơi đã mang nó đi thử. Hồi đó chăn bò nên tôi thường mang nó theo và chẳng bao lâu nó đá thu phục được con chim ngoài (gọi là chim bổi) đầu tiên, từ đó bất kể mùa mưa hay nắng cứ mang nó ra là nó gáy, có ngày vài ba con, có hôm không có con nào nhưng nó không nãn. Có lần nó thu phục một con bổi dính bẩy 3 lần nhưng thoát ra được vì con bổi này quá nhỏ. Cứ mỗi lần thoát là nó như mất hôn nhưng sau đó chim mồi lại làm cho nó quên ngay và lao vào lần hai...lần 3. Lần thứ ba có lẽ nó không còn sức nữa và kể từ đó biết bao người đến bẩy mà không được. Lần thứ ba tôi ngồi gần hơn và khi dính lưới tôi lấy sào treo chim có câu liêm đè nó xuống cho đến khi nó mệt hết vùng thì tôi lấy sào ra móc chim xuống. Thế mà vừa gần chạm đất nó lại tuột ra.

 

Tháng ngày đưa đầy tôi lang thang từ nước này qua nước khác, trong tôi máu cu gáy vẫn chảy âm ỉ từng ngày. Tôi không còn nuôi chim gáy từ vào đại học cho đến khi ra trường đi làm đi học.  Học xong tiến sĩ thì tôi lại về nước và gầy dựng hai con mồi, một con có thể nói là cực hay, giọng thổ đồng, một hậu, khi gù dặm rất nhiều. Mới nuôi hơn 1 tháng thì nó đã thành mồi (con này tôi mua lại của người khác với giá...50.000 đồng thời điểm năm 2004), nghe đâu họ nuôi từ nhỏ lên. Mới đi thực địa làm quen có mấy bữa mà nó gáy rất hăng. Còn con mồi thứ hai là thổ sấm, một đứa bạn cho tôi. Thế rồi tôi lại khăn gói ra đi, tôi sang Mỹ theo một chương trình nghiên cứu sau tiến sĩ đằng đẳng cho tới tận bây giờ. Mỗi lần gọi điện thoại về cho vợ là hỏi ngay "Cu anh có khỏe không?". Thường thì bà xã nói trêu là "Cu anh rấttt khỏe, nó gáy suốt ngày". Rồi vợ con cũng dắt nhau qua Mỹ, mấy con cu để lại nhờ dì (em vợ) trong coi. Thỉnh thoảng vẫn hay gọi điện về hỏi  thăm nhưng không còn nói năng dạn dĩ như nói với vợ. Rồi ông cậu bên vợ cũng lên lấy 1 con về nuôi, lại lấy đúng con hay thổ đồng, nghe đâu ông bẫy quá trời chim bỗi, bẫy về toàn thịt. Năm tháng trôi mau, ở nhà gặp đợt cúm gia cầm cả hai đều đi theo ông bà. Nghe tin tôi tiếc ngẫn ngơ, biết khi nào tìm ra 1 con mồi như vậy.

Tôi hay đọc báo và thấy nhiều loài chim sắp tuyệt chủng do đánh bẫy hàng loạt bởi lưới chăng và nhiều phương tiện hiện đại mà chim trời khó lòng thoát được, trong đó có loài chim cu gáy, một loài chim của đồng quê Việt nam. Nhiều món ăn đặc sản làm từ cu gáy như cu chiên bơ, cu gáy ru ti...Tôi thấy nên có một trang web về chim gáy để mọi người chia sẽ niềm vui và nỗi buồn và hơn hết là cùng nhau ý thức bảo vệ loài chim này. Tôi nghỉ chim gáy là loài chim có thể thuần chủng được và có thể nuôi như bồ câu. Thậm chí tôi đã nuôi thử một loài chim gáy khác và nó vẫn đẻ bình thường mặc dù nuôi trong lồng.

 

Tôi vào internet và rất vui khi biết có bác gì đó ở hà nam đã nuôi cu gáy sinh sản thành công và vào trang web của aquabird và một số khác về chim cá cảnh của Việt nam thấy chương trình đang nhanh rộng mà có rất nhiều bạn trẻ tham gia. Để giữ được thú chơi nho nhã của tổ tiên ngày xưa khỏi mai một chúng ta phải bảo vệ loài chim này trước nguy cơ đánh bẫy hàng loạt. Đó là ý thức nuôi và bảo dưỡng loài chim này tại nhà, nhanh rộng ra cả nước.

Vì vậy trang web này với phương châm là chia sẽ kinh nghiệm của thú tiêu khiển nho nhả và bảo tồn loài chim này. Tôi mong các bạn khi vào trang web này hãy cùng tôi tạo ra trước hết là một sân chơi riêng cho cu gáy và sau đó cùng nhau đóng góp phần nào để bảo vệ loài chim này.