Chơi cu gáy – một thú tiêu dao của người miền Trung In
Viết bởi Administrator   
Thứ tư, 23 Tháng 6 2010 02:30

Chơi cu gáy – một thú tiêu dao của người miền Trung

Phía Bắc hay trong Nam Bộ, do điều kiện tự nhiên có nhiều ưu đãi, mùa cu gáy kéo dài từ tháng 3 cho tới tháng 10 âm lịch mới vãn chim. Riêng miền Trung có một  mùa hè rất khắc nghiệt, nhất là phía bắc đèo Hải Vân còn bị ảnh hưởng bởi gió phơn Tây Nam (còn gọi là gió Lào) nên dân chơi cu gáy ở đây “chỉ có chịu” hai mùa dong ruổi, đam mê cùng tiếng chim gù.

NGHỀ CHƠI CŨNG LẮM CÔNG PHU

Từ cuối tháng 2 âm lịch, khi những cánh đồng bao la bắt đầu nhuộm thắm nắng,hạt lúa chắc mẩy vàng lên rưng rức báo hiệu một mùa bội thu, cũng là mùa cu gáy bay về nhiều nhất. Lúc này, từng đàn chim lớn từ rừng về, gặp lúa chín no căng. Lũ chim tách bầy thành từng cặp riêng lẻ. Những con chim trống hứng chí xoè cánh “tâu” trên trời xanh thành những hình xoắn ốc như kiểu bay của loài diều hâu, rồi sà xuống cành cây cao nhất cất tiếng gáy vang vọng trong không gian. Đó là cách chúng thể hiện sức mạnh và thông báo khu vực sinh sản của mình.

Ông Minh Nghĩa đang chăm sóc chim cu gáy – Ảnh: Phùng Hưng

Những con chim hay bao giờ cũng chọn nơi làm tổ tốt nhất. Đó không phải là những bụi bờ  rậm rạp, mà thường là những cây to, cổ thụ nằm lẻ loi giữa đồng, gần nguồn thức ăn và dễ quan sát lãnh địa. Những gốc duối lâu năm có những chạc ba vững chắc là nơi để xây tổ. Vào mùa này, những cuộc chiến tranh giành lãnh địa, ái tình diễn ra liên miên, cũng là mùa đánh được chim cu gáy nhiều nhất.

 

Chọn cu gáy, ngoài đặc điểm về ngoại hình của một con chim hay đã được lưu truyền từ xưa đến nay, như “đầu nhỏ, mỏ cong, cườm cao, giao cánh, ức nở” là con chim có thể lực sung mãn, người ta còn chọn những con “ nhất huỳnh kiên, nhì liên giáp, tam quá khoé, tứ chân khô, ngũ liên hoành, lục cườm dựng” (nhất: cườm vàng đóng xuống tận vai, nhì: bộ cườm đóng kín xung quanh cổ, ba: đuôi mắt đen kéo dài ra sau ót, bốn: cặp chân phải khô trắng như ruộng mùa hạ, năm: sắc lông, sắc cườm, từ đầu đến đuôi phải thật đều, sáu: con chim có lông gáy dựng đứng là con chim dữ). Đó là những đặc điểm của một con chim tài hoa. Ngoài ra, giọng gáy của chim là một đề tài tranh luận vô hồi kết trong giới chơi cu gáy. Tuỳ theo vùng , miền mà có cách chọn giọng chim khác nhau. “Sấm, đồng, thổ, kim, son” là những cung bậc, sắc thái riêng biệt trong giọng gáy của từng con chim, tuỳ theo cách ráp đôi của những cặp cu gáy trong tự nhiên mà dân chơi còn luận ra giọng “đồng sấm” “đồng thổ” “thổ rệt” “thổ pha”…

 

Theo ông Minh Nghĩa, một tay gác cu sành điệu có tiếng ở vùng Bình Trị Thiên, thì “Thường một con chim cu được gọi là hay trước hết phải có ngoại hình đẹp, giọng “chiêu” (cúc, cu, cu…cu là tiếng rủ chim từ xa), giọng “thúc” (cù, cù, cu ba tiếng một, thách thức khi đối thủ về cây) phải rõ ràng, đều. Ngoài ra con mồi có giọng cà lăm, hay “dặm” (cù…cù cù hai giọng đôi) sau tiếng “thúc” rất dễ dụ chim. Nếu con chim nào hội đủ yếu tố “chiêu đồng , thúc thổ, gù kim” đó chính  là con mồi đệ nhất, sát chim số một, cực hiếm”. Thửa được con chim trời hay đã khó, nuôi nấng để loài hoang dã này quen cảnh, quen người mà gáy đều như ngoài trời càng khó, ít nhất phải kiên trì một hai năm trời. Nuôi cho ra một con mồi tốt là cả một quá trình công phu,  không chỉ đòi hỏi tình yêu của chủ với vật nuôi, mà cái chính  là sự nhạy cảm, “mát tay”. Nếu không, hoài phí  3-4 năm trời thuần  dưỡng, có ra được  chim mồi cũng không gáy hay lúc gáy lúc không, thứ chim ấy nên đem cho dân chơi nghiệp dư nuôi làm cảnh!

 

Ông Nghĩa tuổi lục tuần, ngót 40 năm mòn bước phiêu du từ  Cam Thanh, Cam Tuyền, Ô Lâu, Hải Thượng hay xuôi về Triệu Trung, Triệu Độ, Dĩ Trung, Dĩ  Hạ (tỉnh Quảng Trị) đam mê theo mùa cu gáy. Đến cuối tháng 5 âm lịch, khi từng ngọn gió Lào ràn rạt thổi bơ phờ đất quê,  mùa cu gáy thứ nhất chấm dứt ông mới tạm “dừng bước giang hồ”. Phải đợi tới tháng 8 âm lịch, khi lúa hè thu vàng rộ, mùa cu gáy thứ hai xuất hiện, tuy không ồn ào như mùa đầu nhưng cũng kịp thoả mãn thú tiêu dao của kẻ đam mê. Cho đến tháng 10 âm lịch, khi tóc rạ rơm khô trắng đồng, mùa cu gáy lại trôi qua trong nỗi niềm luyến tiếc…

 

LUẬT BẤT THÀNH VĂN VÀ NHỮNG CAO THỦ

Cả dải đất miền Trung, từ bắc đèo Hải Vân hay ngược về trong phía nam, từ Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên… đều có thú chơi cu gáy. Mỗi nơi có một bí quyết, một nghệ thuật riêng, nhưng ai đã trót yêu giống chim mộc mạc của đồng quê này thì hầu như sẽ bị cám dỗ suốt đời. Ở Quảng Trị còn có cả “hiệp hội” những người chơi cu gáy. Tánh Thư Lục Nghĩa là hai hội mạnh nhất, có cả chục hội viên từ già đến trẻ. Ngoài ra còn một số hội chơi cu gáy khác rải rác trong tỉnh và các tỉnh  Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế thu hút đông đảo người chơi.

Hành trang lên đường của dân gác cu “hạng nhẹ”– Ảnh: Phùng Hưng

Những lúc nhàn tản, các hội thường giao lưu  ở nhà một thành viên nào đó có vườn tược rộng rãi để thi đấu cu mồi, trao đổi kinh nghiệm, bàn bạc về một con cu hay ở vùng này vùng kia mà ai đó nhiều năm đeo bám nhưng chưa đánh được. Giữa các hội có hẳn luật bất thành văn mà ai cũng tuân thủ rất nghiêm. Đó là: Thích chim mồi của ai chỉ được thoả thuận, không được dùng thủ đoạn tước đoạt. Không nên đánh chim ở gần nhà những hội viên nghèo, vì những người này không có phương tiện đi xa. Chỉ được đánh chim bằng bẫy rập thông thường, tuyệt đối không được dùng súng bắn chim… Hàng năm, sau Tết Nguyên đán,  các hội cu thường làm lễ cúng sơn thần thổ địa rất rôm rả. Hội Tánh Thư năm nào cũng mang đầu heo vô rừng mở lễ. Còn hội Lục Nghĩa cúng gà tại gia, anh em gặp nhau vui vẻ tổng kết trong năm nhà nào có việc hiếu việc hỉ, thắt chặt tình cảm,  mong mùa  tới đánh được nhiều cu gáy hay.

 

Hội Lục Nghĩa hội tụ nhiều  cao thủ lão làng trong giới gác cu. Cao  niên nhất phải kể tới cụ Tiên người Triệu Phước. Tuổi ngót cửu thập, mắt mờ chân yếu không đủ sức luồn bụi gác cu như năm xưa nên  anh em thường thay phiên nhau chở cụ đi trong những chuyến đánh cu xa. Chẳng nhìn thấy chim về nhưng đôi tai ông lão cứ dỏng lên nuốt từng tiếng “thúc”, tiếng “gù”. Khi nào ông cụ thì thào “vô đó!” là y như rằng chẳng mấy chốc con chim ngoài sập bẫy. Kinh nghiệm và lòng đam mê mấy chục năm của cụ Tiên đã truyền hết cho  con  trai cả là ông Hiển, một đại cao thủ của nghề chơi công phu này. Ông Hiển hiện có một con “thổ rệt” dụ chim “thần sầu”, đã vô địch nhiều năm về số chim sập được trong một mùa. Còn con “đồng thổ” của ông Lưu Hữu Lục nổi tiếng vì  thường bắt được chim khó, chim hay mà mồi khác không đánh được. Chính con chim này đã bắt được con “đồng hai hậu”, giờ là một con chim mồi cứng của ông Minh Nghĩa và nhiều con mồi hay nằm trong tay một số tay chơi trẻ như Vang , Đoàn, Phước…

Nuôi cu mồi, chỉ chọn con đã trưởng thành. Cu non nuôi mớm, lớn lên siêng gáy nhưng không bao giờ thành mồi được. Dân chơi mới vào nghề, bỏ tiền ra mua mồi sẽ rất tốn kém. Một con cu thuần dưỡng chưa biết hay dở đã có giá  500.000-1.000.000đ. Còn loại mồi xịn vô giá, quý hoá thì tặng nhau, mấy ai chịu bán. Thành thử muốn có chim mồi hay thường phải mất vài năm vo thóc đãi sạn nuôi nấng, chăm bẵm rất công phu.  Khoảng thời gian ấy để người nuôi hiểu rõ tính nết của con chim. Đó cũng là cái gốc của lòng đam mê thú chơi chim cu gáy của người miền Trung là một phần trong văn hoá sống của một  vùng đất tuy khắc nghiệt đầy nắng và gió nhưng cũng không thiếu sự tinh tế tao nhã. Trong thời buổi kinh tế xô bồ như hiện nay, tìm được một chút lắng đọng chốn thôn dã, thảnh thơi giữa miên man đồng nội, mơ màng theo tiếng chim cu gáy, thật là thú lắm…

 

PHÙNG HƯNG

Theo Phuyenonline

Lần cập nhật cuối lúc Thứ tư, 23 Tháng 6 2010 02:32